Ngày 18/10/2023, Viện Vật liệu xây dựng phối hợp với Công ty TNHH Edeec, doanh nghiệp xã hội Công trình bền vững Việt Nam và Sen Vàng Group tổ chức hội thảo “Chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng”.
Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng Lê Trung Thành phát biểu tại hội thảo
Tham dự hội thảo có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Công thương; các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện các hội, hiệp hội chuyên ngành, các đoanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. PGS.TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Lê Trung Thành cho biết, trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực công trình xây dựng.
PGS.TS. Lê Trung Thành đánh giá, các cơ chế, chính sách về công trình xanh đã được ban hành khá đầy đủ và đã đạt được kết quả tích cực. Số lượng công trình xanh tại Việt Nam đã ghi nhận chiều hướng tăng lên qua mỗi năm, tuy nhiên, con số vẫn khiêm tốn so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới; việc phát triển công trình xanh vẫn còn nhiều thách thức. Nhiều chủ đầu tư băn khoăn xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng sẽ làm tăng chi phí đầu tư. Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Vật liệu xây dựng, hiện nay, việc xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng không thực sự làm tăng chi phí đầu tư nếu sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp, phương án tài chính hợp lý, sử dụng mô hình dự báo vận hành công trình đúng cách.
Để minh chứng điều này, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp tham dự hội thảo đã giới thiệu các giải pháp kỹ thuật mới, giải đáp thắc mắc của các chủ đầu tư nhằm đạt được mục tiêu xây dựng và vận hành công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả với chi phí tối ưu nhất.
Theo ông Tạ Đắc Quý - chuyên gia Viện Vật liệu xây dựng, một trong những yếu tố quan trọng để làm nên các công trình xanh hiệu quả là vật liệu xây dựng phải tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường và có thể tái chế sử dụng. Hiện nay, Việt Nam đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD về yêu cầu năng lượng, trong đó quy định chỉ tiêu độ dẫn nhiệt của các vật liệu nhằm góp phần xây dựng tòa nhà đạt hiệu suất cao. Tuy nhiên, trên thị trường chưa có nhiều vật liệu xây dựng đáp ứng được những tiêu chuẩn này.
Đại diện cho doanh nghiệp tiên phong trong việc phát triển các sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng, ông Trần Quốc Khánh từ công ty kính nổi VIGLACERA cho biết, việc phát triển các vật liệu xây dựng xanh, đảm bảo tiết kiệm năng lượng không hề dễ dàng, do đó không nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư. Tuy nhiên, nắm bắt xu hướng phát triển công trình xanh trong giai đoạn gần đây, VIGLACERA vẫn quyết tâm nghiên cứu và đưa ra thị trường các sản phẩm công nghệ xanh, kính tiết kiệm năng lượng để phục vụ các công trình xanh hiện đại.
Từ năm 2016, công ty kính nổi VIGLACERA đã đầu tư dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng công suất 2,3 triệu m2/năm với hai dòng sản phẩm chính là kính Low-E và kính Solar Control. Đây là những sản phẩm kính cách nhiệt, cản nhiệt cao cấp, áp dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay của Tập đoàn Von Ardenne Gmbh (Cộng hòa liên bang Đức). Kính có khả năng kiểm soát tốt năng lượng từ bức xạ mặt trời truyền vào nhà, qua đó góp phần tiết kiệm tới 69% năng lượng tiêu thụ của hệ thống điều hòa không khí; ngoài ra có thể ngăn đến 99% tia UV, tạo không gian sống tiện nghi và bảo vệ sức khỏe người sử dụng.
Toàn cảnh hội thảo
Giới thiệu chương trình phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ thiết kế và xây dựng công trình hiệu quả năng lượng, bà Lê Phương Anh - Giám đốc chương trình Công trình bền vững Việt Nam (Sustainable Building Vietnam, SBVN) cho biết, để xây dựng công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm chi phí cho phát triển công trình, chủ đầu tư nên thực hiện các tính toán tiềm năng tiết kiệm năng lượng. Để hỗ trợ giải quyết vấn đề này, SBVN Net Zero – một trong những hợp phần của SBVN sẽ là giải pháp hữu hiệu.
Theo bà Lê Phương Anh, trong giai đoạn thí điểm, SBVN Net Zero đã thành công tính toán tiềm năng hiệu quả năng lượng, hỗ trợ nhiều chủ đầu tư như Ecopark, Sun Group, AHS, Công ty Đại Nam Tiến, Cubic Architects… Đặc biệt, trong giai đoạn 2023 - 2025, SBVN Net Zero sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho 1 dự án để dự án đó trở thành toà nhà cân bằng năng lượng đầu tiên tại Việt Nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu khách mời tích cực trao đổi, thảo luận xoay quanh yếu tố liên quan đến việc phát triển dự án, từ chiến lược định hướng ban đầu đến thiết kế, lựa chọn vật liệu, phương án tài chính, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến... nhằm giúp chủ đầu tư xây dựng thành công các dự án xanh, dự án hiệu quả năng lượng với mức chi phí đầu tư không tăng. Các giải pháp này không chỉ áp dụng cho các công trình xây dựng mới, mà có thể mang lại hiệu quả cho cả các công trình đang vận hành có mong muốn cải tạo theo hướng tiết kiệm năng lượng. Các diễn giả cũng chia sẻ một số dự án công trình xanh điển hình đã áp dụng thành công các công cụ và kỹ thuật mới có chi phí tối ưu.