Sáng ngày 29/9/2023 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Hội cấp thoát nước Việt Nam phối với Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo về dự thảo Luật cấp, thoát nước. Đây là một trong chuỗi các hoạt động của Tuần lễ ngành nước Việt Nam năm 2023 (Vietnam Water Week 2023) được tổ chức tại Bình Dương. Tham dự hội thảo có đông đảo các đại biểu đến từ các Bộ, ngành Trung ương; các địa phương; doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; các chuyên gia, nhà khoa học.
Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp cho biết, nước sạch là một loại hàng hóa đặc biệt, vừa là nhu cầu cơ bản hàng ngày của mỗi người, vừa có tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu khác của cuộc sống. Bên cạnh đó, nước thải từ các hoạt động sống, hoạt động sản xuất được thải ra môi trường nếu không được kiểm soát tốt sẽ có những nguy cơ khôn lường về ô nhiễm và dịch bệnh. Việc đầu tư xây dựng các hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải đòi hỏi sự phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, và đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất để điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải. Trong vai trò của một tổ chức đại diện quyền lợi cho các hội viên (các doanh nghiệp ngành nước), Hội Cấp thoát nước Việt Nam đang tích cực, chủ động tham gia cùng Bộ Xây dựng trong quá trình soạn thảo Luật cấp, thoát nước, thông qua việc tổ chức các hoạt động tham vấn doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, tổ chức các hội nghị, hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật. Trong khuôn khổ hội thảo hôm nay, với sự có mặt của đại diện các Bộ, các tổ chức quốc tế và Cục hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) – cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Luật cấp, thoát nước, ông Nguyễn Ngọc Điệp bày tỏ hy vọng, các ý kiến tham luận, chia sẻ kinh nghiệm của các nhà quản lý, các chuyên gia trong nước và quốc tế sẽ giúp cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình các cấp có thẩm quyền thông qua.
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Tạ Quang Vinh phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, trong giai đoạn hiện nay, với hơn 980 nhà máy cấp nước, tổng công suất khoảng 12.6 triệu m3/ngđ và 82 nhà máy xử lý nước thải tập trung tổng công suất thiết kế khoảng 1.47 triệu m3/ngđ, nhiệm vụ đặt ra đối với việc quản lý và phát triển cấp nước, thoát nước còn rất nặng nề, trong đó cần thể chế hóa trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực cấp, thoát nước bằng các Luật như Luật cấp, thoát nước; tiến hành rà soát, điều chỉnh Định hướng phát triển cấp nước và Định hướng phát triển thoát nước phù hợp với yêu cầu mới của giai đoạn.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tổ chức lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước và tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến về các nội dung tại dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, thu về gần 200 phiếu ý kiến. Cục trưởng Tạ Quang Vinh cho biết, các đại biểu tập trung góp ý về công tác quy hoạch chuyên ngành cấp, thoát nước, vùng cấp nước trong quy hoạch và vùng cấp nước giao cho đơn vị cấp nước, tài sản công trình cấp nước, giá nước sạch, giá dịch vụ thoát nước, nguồn vốn đầu tư cho thoát nước… Nhân sự kiện Tuần lễ nước Việt Nam 2023, hội thảo này là sự tiếp nối các hội thảo nêu trên, có ý nghĩa rất lớn trong việc tổng hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia, đại biểu trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước.
Tại hội thảo, đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật báo cáo nội dung cơ bản của dự thảo Luật Cấp thoát nước và những vấn đề chủ yếu cần ý kiến tham vấn. Đại diện Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Cục quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Cục quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á cũng có nhiều ý kiến thiết thực, nhiều tham luận chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan. Theo ý kiến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, dự thảo Luật cấp, thoát nước cần nghiên cứu bổ sung một số chính sách về bảo vệ công trình cấp nước, quy định về cấp nước hộ gia đình, bổ sung các nội dung chính sách phù hợp với thực trạng cấp nước nông thôn. Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cần rà soát kỹ các nội dung trong dự thảo Luật để đảm bảo tính đồng bộ với các Luật khác như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, dự thảo Luật đất đai sửa đổi; bổ sung quy định rõ về phân vùng phục vụ cấp nước, quản lý dịch vụ cấp nước đến từng hộ gia đình đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ cấp nước; bổ sung quy định về cấp nước an toàn, quy định về bảo vệ nguồn nước. Đại diện Bộ Kế hoạch đầu tư đề nghị nghiên cứu giải quyết vấn đề giá dịch vụ cấp, thoát nước; cơ chế PPP trong thực hiện các dự án cấp, thoát nước...
Tham luận của Ngân hàng Thế giới “Kinh nghiệm quốc tế về định hướng thị trường và vai trò của khu vực tư nhân tham gia lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý nước thải” đề cập đến những khoảng cách lớn về chất lượng và tính ổn định của các dịch vụ cấp, thoát nước của Việt Nam; các trở ngại đối với việc thu hút đầu tư tư nhân và cơ chế hợp tác công tư trong lĩnh vực cấp, thoát nước, xử lý nước thải... Do đó, trong dự thảo Luật, cần tập trung giải quyết một số trở ngại chính về tài chính, kỹ thuật và thể chế, đồng thời tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn nhằm thu hút nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân. Cần khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc tăng cường các chính sách kinh tế hiện tại của ngành thông qua thiết lập cơ chế cải thiện khả năng thu hồi chi phí, các nguồn tài chính và nguồn thu mới ngoài giá....
Quang cảnh hội thảo
Hội thảo về dự thảo Luật cấp, thoát nước đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm đại biểu trong nước và quốc tế. Những tham luận, ý kiến đóng góp, thông tin tại hội thảo sẽ được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.