Ngày 9/8/2023, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn năng lượng Nhật Bản thuộc Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản và Trung tâm Môi trường đô thị và công nghiệp tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm phát triển và thực tế triển khai công trình cân bằng năng lượng (ZEB) tại Nhật Bản và khuyến nghị cho Việt Nam”.
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) Nguyễn Công Thịnh phát biểu tại hội thảo
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến ở nhiều điểm cầu tại Việt Nam, Nhật Bản; đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện hướng tới Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023.
Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ, ngành Trung ương; đại diện Sở Xây dựng một số tỉnh, thành phố; chuyên gia các viện nghiên cứu trong nước và quốc tế; đại diện các doanh nghiệp, đơn vị tư vấn, nhà đầu tư.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh sự cần thiết phát triển công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, hướng tới giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, đồng thời cho biết, hội thảo là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về chính sách, thực tiễn triển khai, tiêu chuẩn và các công nghệ trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, công trình cân bằng năng lượng, công trình trung hòa carbon, từ đó đưa ra những khuyến nghị phù hợp với thực tế ở Việt Nam.
Phó Vụ trưởng Nguyễn Công Thịnh đánh giá, Nhật Bản là quốc gia đi trước, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, công trình cân bằng năng lượng và công trình trung hòa carbon. Việc học tập, đúc rút những kinh nghiệm từ Nhật Bản để thực hiện các công trình cân bằng năng lượng, trung hòa carbon ở Việt Nam sẽ góp phần hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26.
Giám đốc Hideyuki Umeda phát biểu trực tuyến tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, tại điểm cầu Tokyo, ông Hideyuki Umeda - Giám đốc Chính sách quốc tế về trung hòa carbon, Cục Tài nguyên và năng lượng (Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản) đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết tại Hội nghị COP26 nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Theo ông Hideyuki Umeda, bên cạnh những yêu cầu chung, việc triển khai các công trình cân bằng năng lượng, trung hòa carbon còn phụ thuộc vào điều kiện của các quốc gia. Với kinh nghiệm được tích lũy trong nhiều năm, Nhật Bản sẵn sàng chia sẻ và hỗ trợ về kiến thức cũng như khoa học công nghệ cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cập nhật chính sách về ZEB tại Nhật Bản, TS. Yoshitaka Ushio - Cố vấn cao cấp của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Nhật Bản cho biết, hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà là một trong những vấn đề trọng tâm của chính sách tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng của Nhật Bản. Đến nay, Nhật Bản đã xây dựng các khung chính sách và quy định về tiết kiệm năng lượng. Nhật Bản tiếp tục triển khai chính sách “Khái niệm họ ZEB” để thúc đẩy các tòa nhà tiết kiệm năng lượng cao cấp; “Sẵn sàng cho ZEB”, đồng thời nâng cao hiệu quả và tiết kiệm năng lượng cũng như ứng dụng năng lượng tái tạo, phổ biến khái niệm ZEB ra khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Toàn cảnh hội thảo
Về triển khai ZEB tại Việt Nam, TS.KTS. Phạm Thị Hải Hà - Trưởng bộ môn Kiến trúc môi trường, trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhận định, việc triển khai ZEB tại Việt Nam có những thuận lợi cơ bản - đó là quyết tâm, cam kết của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, quy định ở các cấp độ khác nhau, hệ thống tiêu chuẩn - quy chuẩn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đã trao đổi những vấn đề liên quan tới chính sách và thực tiễn triển khai công trình cân bằng năng lượng tại Nhật; Tiêu chuẩn ISO/TS 23764; chiến lược ZEB cho công trình trung hòa carbon; công nghệ nâng cao tối ưu hóa năng lượng tái tạo, hướng đến công trình cân bằng năng lượng.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo