Ngày 15/11/2022, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hợp quốc (UNIDO) tổ chức hội thảo tham vấn “Xây dựng chiến lược và lộ trình toàn diện hướng tới môi trường xây dựng tuần hoàn và carbon thấp”. Hội thảo là một trong các chuỗi hoạt động hợp tác giữa AMC và UNIDO nhằm thúc đẩy ngành Xây dựng phát triển theo hướng bền vững và có trách nhiệm.
TS. Trần Hữu Hà - Giám đốc Học viện AMC phát biểu tại hội thảo
Tham dự hội thảo có TS. Trần Hữu Hà - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện, TS. Phạm Văn Bộ - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; bà Lê Thị Thanh Thảo - đại diện quốc gia của UNIDO tại Việt Nam; các chuyên gia cao cấp của UNIDO, GIZ, đại diện các Sở Xây dựng, các địa phương, các hiệp hội nghề và doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Trần Hữu Hà cho biết: biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu; trong vấn đề này, ngành công nghiệp xây dựng có trách nhiệm rất lớn, bởi là ngành sử dụng nhiều tài nguyên và tạo ra lượng khí nhà kính khổng lồ.
Hội thảo hôm nay nhằm tham vấn ý kiến từ nhiều cơ quan, tổ chức để bước đầu hình thành bức tranh tổng quan về thực trạng giảm phát thải khí nhà kính và mức độ sẵn sàng cho các giải pháp kinh tế tuần hoàn của môi trường xây dựng. Đây sẽ là cơ sở để triển khai các hoạt động nghiên cứu tiếp theo nhằm nâng cao năng lực đồng thời duy trì quan điểm tổng thể của kinh tế tuần hoàn trong xây dựng.
Bà Lê Thị Thanh Thảo - đại diện quốc gia của UNIDO phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Thanh Thảo khẳng định: UNIDO luôn coi xây dựng là ngành then chốt, là động lực cốt lõi của tăng trưởng; trong đó, hình thành môi trường xây dựng theo hướng kinh tế tuần hoàn và ít phát thải carbon có ý nghĩa rất quan trọng. Theo bà Lê Thanh Thảo, cần nỗ lực hơn nữa nhằm khám phá các công nghệ mới, tư duy lại việc lập kế hoạch, tạo ra các vật liệu mới, mở rộng sự tham gia với nhiều bên liên quan mới, qua đó làm các toà nhà xanh hơn, bền vững hơn và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, cuối cùng là chuyển đổi môi trường xây dựng thành một hệ thống thực sự tuần hoàn.
Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu cùng phân tích lợi ích của việc chuyển đổi môi trường xây dựng theo hướng tuần hoàn, nhấn mạnh những tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước như nâng cao chất lượng xây dựng, kéo dài tuổi thọ của các toà nhà, công trình; nâng cao nhận thức của cộng đồng về lĩnh vực xây dựng; tăng cường sức khỏe và an toàn trong quá trình xây dựng và vận hành công trình xây dựng.