Ngày 20/5/2021, Hội đồng tư vấn Bộ Xây dựng họp nghiệm thu kết quả thực hiện hai đề tài khoa học công nghệ của Viện Vật liệu xây dựng, bao gồm “Nghiên cứu chế tạo cốt liệu chịu lửa cao nhôm thiêu kết cao cấp (Tabular) cho ngành công nghiệp sản xuất vật liệu chịu lửa từ nguồn nguyên liệu trong nước”, mã số RD 11-19; “Nghiên cứu sử dụng xúc tác đã qua sử dụng của phân xưởng cracking dầu mỏ làm nguyên liệu sản xuất gốm sứ”, mã số RD 41-18.
Toàn cảnh họp Hội đồng nghiệm thu
Về đề tài thứ nhất, theo báo cáo của ThS.Trần Thị Minh Hải - chủ nhiệm đề tài: từ nhiều năm nay, ngành vật liệu chịu lửa của nước ta đứng trước thách thức rất lớn về nguồn cung nguyên liệu, trong khi nhu cầu trong nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực luyện kim và sản xuất vật liệu xây dựng rất lớn. Việt Nam chỉ tự chủ được một phần nguyên liệu để sản xuất vật liệu chịu lửa sa mốt, còn cốt liệu chịu lửa Tabular hiện vẫn phải nhập khẩu. Do đó, việc nghiên cứu chế tạo cốt liệu chịu lửa cao cấp Tabular từ nguồn ô xít nhôm sẵn có trong nước là cần thiết, phù hợp với định hướng chung trong sản xuất vật liệu chịu lửa ở Việt Nam.
Báo cáo đề tài đã tổng quan các thành tựu nghiên cứu trong và ngoài nước về công nghệ cốt liệu chịu lửa Tabular, cơ sở khoa học về nguyên liệu và sự hình thành cấu trúc và tính chất của Tabular. Báo cáo cũng trình bày nội dung nghiên cứu thực nghiệm về nguyên liệu chính, công nghệ chế tạo Tabular từ nguyên liệu sẵn có, thử nghiệm chế tạo bê tông chịu lửa trong phòng thí nghiệm và quy mô thử nghiệm. Ngoài ra, nhóm đề tài đã phân tích sơ bộ về đơn giá và giá trị gia tăng của việc sử dụng cốt liệu chịu lửa Tabular sản xuất được so với sản phẩm nhập khẩu.
Theo báo cáo, nhóm đã chế tạo được 4.000 kg cốt liệu Tabular đạt chỉ tiêu chất lượng yêu cầu, được ứng dụng để chế tạo bê tông chịu lửa sử dụng cho lò quay xi măng tại Công ty xi măng Trung Sơn và lò luyện thép của Nhà máy thép Hòa Phát; đưa ra được bảng thông số kỹ thuật của cốt liệu và quy trình công nghệ chế tạo cốt liệu chịu lửa Tabular.
Nhận xét về đề tài, các thành viên Hội đồng đánh giá: Về cơ bản đề tài đạt yêu cầu nhiệm vụ đề ra; nhiều thí nghiệm khảo sát và kiểm chứng được thực hiện công phu. Tuy nhiên, báo cáo còn thiếu sự cân đối giữa tính khoa học và tính ứng dụng; quy trình công nghệ thiếu nhiều thông số kỹ thuật thiết yếu; phần tính toán giá thành sơ sài thiếu thuyết phục. Nếu bổ sung thông tin cả ở phần nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và ở quy trình công nghệ tổng thể thì đề tài sẽ có tính thuyết phục hơn.
Về đề tài “Nghiên cứu sử dụng xúc tác đã qua sử dụng của phân xưởng cracking dầu mỏ làm nguyên liệu sản xuất gốm sứ”, ThS.Nguyễn Văn Trung đại diện nhóm đề tài cho biết: Việc nghiên cứu sử dụng các chất thải nhằm giảm tiêu hao tài nguyên khoáng sản là vấn đề quan trọng và cấp thiết đối với ngành công nghiệp sản xuất gạch ốp lát của nước ta. Các nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy có thể sử dụng chất xúc tác RFCC (là chất xúc tác sử dụng trong quá trình cracking dầu mỏ) đã qua sử dụng làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất các loại vật liệu xây dựng như gạch đất sét nung, vật liệu chịu lửa, men frit, bi nghiền cao nhôm, xi măng. Ở nước ta, lượng chất xúc tác RFCC qua sử dụng thải ra ngày càng lớn trong khi trữ lượng cao lanh (nguyên liệu sản xuất gốm sứ) là có hạn. Do đó, nghiên cứu sử dụng xúc tác đã qua sử dụng của phân xưởng cracking dầu mỏ làm nguyên liệu sản xuất gốm sứ là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn cao.
Theo nhận xét của Hội đồng tư vấn, nhìn chung đề tài đã đạt được các mục tiêu và nội dung nghiên cứu đặt ra: nghiên cứu thành phần, tính chất của xúc tác đã qua sử dụng (RFCC) trong phân xưởng cracking dầu mỏ; nghiên cứu đưa RFCC vào làm nguyên liệu thay thế cao lanh trong sản xuất gạch gốm ốp lát; xây dựng quy trình công nghệ sử dụng RFCC đã qua sử dụng làm nguyên liệu thay thế cao lanh để sản xuất gạch gốm ốp lát; chiết tạo 30m2 sản phẩm gạch ốp lát đạt chất lượng theo TCVN 7745).
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng trao đổi, thảo luận với với nhóm đề tài về một số tồn tại: nguyên liệu sử dụng và tỷ lệ phối liệu khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và khi sản xuất thử nghiệm khác nhau, do đó tính liên kết kết quả nghiên cứu giữa hai giai đoạn chưa cao; nên tham khảo và sử dụng chính các nguyên liệu của các nhà máy để nghiên cứu thì sẽ hợp lý hơn; bản quy trình công nghệ còn sơ sài, chủ yếu là nội dung về công nghệ ốp lát truyền thống, chưa nêu rõ phạm vi sử dụng, yêu cầu kỹ thuật của RFCC và các biện pháp xử lý.
Cả hai đề tài của Viện Vật liệu Xây dựng đã được Hội đồng nhất trí nghiệm thu, với kết quả đều xếp loại Khá.