Sạt trượt bất ngờ, nỗi đau còn đọng lại
Đến nay, đường vào Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 đã thông tuyến, nhưng mặt đường còn đọng lớp bùn đất nhão nhoét. Hiện trường tan hoang với hàng triệu khối đất phủ kín khu doanh trại cũ. Trước đó, vào đêm ngày 18/10 đã bất ngờ xảy ra vụ sạt lở khi 3 triệu mét khối đất đá đổ ập xuống, san phẳng 4 dãy nhà, vùi lấp 22 cán bộ chiến sỹ của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337, các chiến sỹ nơi đây vẫn nghẹn ngào, cay khóe mắt.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng kiểm tra sạt trượt tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337
Chia sẻ với Đoàn công tác về những thiệt hại do trận sạt lở đất gây ra và công tác khắc phục, Đại tá Uông Bình Tân - Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 cho biết: Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 hoạt động chủ yếu ở vùng biên giới, bám vào nhân dân, nên rất mong có giải pháp đóng quân an toàn; xây dựng nhà ở nhân dân bên dưới đảm bảo an sinh. Đồng thời, đề xuất Bộ Xây dựng tham mưu Chính phủ xây dựng nguồn ngân sách cho đồng bào dân tộc nghèo để có cụm dân cư, ngôi nhà an toàn hơn chống chọi thiên tai bão lũ.
Đất đá vùi lấp ngổn ngang
Khảo sát tại hiện trường sạt trượt, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân ban đầu là do tầng đất phủ dày, kết cấu đất xốp và rời, khi gặp mưa lớn làm cho đất mất liên kết, ngoài ra kết hợp với dòng lũ bùn đá làm cho trên 3 triệu khối đất đá sạt trượt xuống 4 dãy nhà của Đoàn Kinh tế Quốc phòng.
Ông Bùi Khôi Hùng, chuyên gia địa chất khẳng định: Hiện tượng sạt trượt từ trên đồi cao kết hợp dòng lũ bùn đá hết sức nguy hiểm vì xảy ra rất bất ngờ, dòng nước quá mạnh đẩy trôi nhiều thứ, người dân rất khó tránh khỏi.
Đoàn chuyên gia của Bộ Xây dựng khảo sát khu vực sạt trượt
Đoàn công tác Bộ Xây dựng nhận định, khu vực sạt trượt lở đất ở Đoàn kinh tế Quốc Phòng 337 và Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo là hình thái, hiện tượng khác nhau. Bộ Xây dựng sẽ giao chuyên gia đánh giá, phân loại hiện tượng sạt trượt để có giải pháp quy hoạch và xây dựng công trình phù hợp.
Rà soát công tác quy hoạch trên diện rộng
Chia sẻ về tình hình khắc phục hậu quả sau mưa lũ, sạt trượt, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đề xuất: Trước tình hình bão, lũ, sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp, tỉnh Quảng Trị có đề xuất là tại những vùng ngập lụt, các công trình đầu tư công như: Trụ sở, trường học, trạm xá… nên xây cao tầng để sử dụng, đồng thời là nơi tránh trú cho dân khi thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, về quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Chính phủ, cơ quan chuyên môn khi làm quy hoạch cần chú trọng hơn nữa những nghiên cứu về sạt lở đất.
Công tác lựa chọn đất đai và địa điểm xây dựng cần được thực hiện thận trọng hơn
Về giải pháp quy hoạch đối với các vùng sạt trượt, ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng) cho biết: Hai đối tượng chịu tác động từ công tác quy hoạch và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai đó là: Các công trình đã xây dựng, khu dân cư đã hình thành và các khu dân cư, công trình mới dự kiến sẽ xây dựng. Khảo sát những ngày qua, chúng tôi thấy rằng, công trình xây dựng tồn tại chục năm khi gặp thiên tai dị thường không thể lường trước được.
Công tác quy hoạch cần rà soát lại trên diện rộng, nhất là quy hoạch các điểm dân cư nông thôn. Ở khu vực mới, cần khảo sát lựa chọn địa điểm xây dựng với tiêu chí phòng chống an toàn trước thiên tai bất thường như sạt lở đất. Trước đây, chúng ta đã đề cập đến khảo sát lựa chọn địa điểm xây dựng nhưng chỉ quan tâm đến ngập lụt và độ dốc. Giờ phải quan tâm đến bản đồ cảnh báo các khu vực nguy cơ sạt lở và đưa vào hồ sơ quy hoạch. Những căn cứ đưa vào bản đồ dự báo sẽ là nền tảng quyết định lựa chọn khu đất xây dựng. Mặc dù có thể kéo dài thời gian và chi phí nhưng việc đảm bảo tính mạng con người là quan trọng nhất.
“Tôi cho rằng công tác lựa chọn đất đai và địa điểm xây dựng cần được thực hiện thận trọng hơn nữa. Việc khảo sát đánh giá mức độ an toàn trước thiên tai không chỉ dừng lại ở một khu vực đô thị mà cần tiến hành sâu hơn ở các điểm dân cư nhỏ lẻ; thậm chí là các công trình đơn lẻ, đặc biệt đối với các vùng miền núi có độ dốc lớn”- ông Nguyễn Thành Hưng phân tích.
Việc lựa chọn đánh giá địa điểm xây dựng khu dân cư, doanh trại, Bộ Quốc phòng nên giao cơ quan chuyên môn để lựa chọn địa điểm phù hợp quy hoạch xây dựng chung của địa phương
Qua chuyến khảo sát, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng và đoàn công tác nhận định, các công trình đường xá dọc đường Trường Sơn Đông đã hình thành từ hàng chục năm nay, lẽ ra địa chất phải ổn định. Nhưng gần đây lại liên tục xuất hiện các điểm sạt trượt và tụ thuỷ, đây là vấn đề địa chất cần chú ý. Việc lựa chọn đánh giá địa điểm xây dựng khu dân cư, doanh trại, Bộ Quốc phòng nên giao cơ quan chuyên môn lựa chọn địa điểm phù hợp quy hoạch xây dựng chung của địa phương. Ngoài việc đảm bảo các yếu tố an ninh quốc phòng thì vấn đề sạt lở đất hết sức lưu tâm. Bộ Quốc Phòng nên có hướng dẫn về tiêu chí, vấn đề lựa chọn khảo sát chi tiết…đồng thời, đưa ra suất đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng lưu ý: Khi làm nhà hay công trình, phải cần tránh làm gần khe tụ thuỷ, nghiên cứu xây dựng kè chặn dòng chảy đối với các công trình lớn, đông dân cư; quan tâm hơn đến bản đồ dự báo khu vực sạt lở và cần đưa vào hồ sơ quy hoạch xây dựng. Bộ Xây dựng khẳng định, sẵn sàng hỗ trợ đơn vị Bộ Quốc Phòng trong công tác chuyên môn.
Nhân dịp này, Đoàn cũng trao tặng 1 tỷ đồng ủng hộ nhân dân bị ảnh hưởng bão lụt tỉnh Quảng Trị và 100 triệu đồng chia sẻ khó khăn với Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337.
Dưới đây là một số hình ảnh được phóng viên Báo điện tử Xây dựng ghi lại tại hiện trường:
Đường vào Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 đã thông tuyến
Hiện trạng sạt lở vùi lấp nhiều dãy nhà
Gây đổ nát, thương vong cho chiến sỹ
Đoàn công tác Bộ Xây dựng khảo sát nhiều vị trí tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337
Bộ Xây dựng trao tặng 1 tỷ đồng ủng hộ bà con bị thiệt hại bão lũ tỉnh Quảng Trị
Trao 100 triệu đồng chia sẻ khó khăn cùng Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337