Sau khi nghe Báo cáo của Bộ Xây dựng, báo cáo của các địa phương và ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã kết luận như sau:
1. Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ – TTg ngày 12 tháng 12 năm 2008 và Quyết định 67/2010/QĐ – TTg ngày 29 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội và nhân văn sâu sắc nhằm đảm bảo các hộ nghèo có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống góp phần xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Chính sách này đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và nhận được sự ủng hộ hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào nghèo các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số. Hiện cả nước đã có 9 địa phương hoàn thành chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Bên cạnh các địa phương thực hiện chương trình đạt kết quả tốt thì một số địa phương có kết quả thực hiện còn chậm, đa số có hộ nghèo theo đề án được phê duyệt không nhiều nhưng kết quả triển khai thực hiện hạn chế, hầu hết các tỉnh có tỷ lệ hoàn thành hỗ trợ cho các hộ nghèo về nhà ở cơ bản chỉ đạt gần nửa so với đề án được duyệt. Vì vậy, các địa phương cần tập trung chỉ đạo, quyết tâm để cơ bản hoàn thành chương trình trong năm 2011.
2. Về Công tác tổ chức, triển khai thực hiện chương trình.
Để đẩy nhanh thực hiện chương trình cơ bản hoàn thành trong năm 2011 các địa phương cần tập trung thực hiện những công việc sau:
2.1. Lập kế hoạch và giao tiến độ thực hiện việc hỗ trợ nhà ở từng tháng, từng quí và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Chương trình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người nghèo tham gia xây dựng nhà ở của chính mình, cộng đồng, doanh nghiệp chung tay ủng hộ tích cực hơn. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, không để xảy ra lãng phí, thất thoát trong quá trình thực hiện chương trình, đồng thời cần linh hoạt trong việc chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, vùng miền nhằm đem lại hiệu quả cao hơn.
2.2. Ngoài việc bố trí đủ và kịp thời vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội cho các hộ dân vay làm nhà theo quy định thì các địa phương cần tích cực, chủ động vận động các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội tham gia ủng hộ, giúp đỡ thực hiện chương trình. Đặc biệt cần có biện pháp vận động sự tham gia tài trợ của các doanh nghiệp để cải thiện nhà ở cho các hộ dân nhằm đem lại hiệu quả cao cho chương trình.
2.3 Chính quyền địa phương chủ động ứng vốn từ nguồn ngân sách địa phương để triển khai chương trình khi nguồn vốn của ngân sách Trung ương và Ngân hàng Chính sách Xã hội chưa phân bổ kịp thời nhằm đảm bảo tiến độ và rút ngắn thời gian thực hiện chương trình.
2.4. Hàng tháng và hàng quý các địa phương phải tổ chức họp rút kinh nghiệm, kiểm tra tiến độ thực hiện, lập báo cáo tổng hợp số liệu về kết quả thực hiện chương trình để có kế hoạch triển khai thực hiện chương trình trong giai đoạn tiếp theo, đồng thời gửi báo cáo về Ban chỉ đạo trung ương và Bộ Xây dựng (báo cáo tháng có thể gửi qua hộp thư điện tử).
2.5. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Chính sách Xã hội bàn biện pháp giải quyết vốn vay để cơ bản hoàn thành chương trình trong năm 2011, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Thông báo 26/TB-BCĐNO&TTBĐS-VPTT.