Bức xúc môi trường Hà Nội
Các chuyên gia Trung tâm nghiên cứu môi trường đô thị nông thôn (Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị Nông thôn) đã nghiên cứu và đưa ra những đánh giá hiện trạng về mặt nước sông hồ, nguồn nước ngầm và chất lượng nước ngầm, môi trường không khí, môi trường đất, tai biến môi trường, hệ sinh thái- không gian xanh và môi trường làng nghề...đồng thời đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát ô nhiễm các khu vực, xử lý các cơ sở ô nhiễm, đảm bảo chất lượng không khí, phục hồi các dòng sông, cải thiện sử dụng bền vững tài nguyên đất, giảm thiểu tai biến và bảo vệ cảnh quan môi trường.
Theo Thạc sĩ - KTS Lưu Đức Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường đô thị nông thôn, môi trường Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khá bức xúc như nước mặt và sông hồ ngày càng cạn kiệt, chất lượng nước suy thoái nghiêm trọng, diện tích 36 hồ bị giảm và hầu hết bị nhiễm bẩn tương đối nặng, chất lượng không khí bị ô nhiễm. Môi trường đất Hà Nội đang suy giảm về diện tích và suy thoái về chất lượng do nhiễm kim loại nặng. Đặc biệt, môi trường làng nghề đang đặt ra cho Hà Nội nhiều vấn đề bức xúc. 275 làng nghề (trong đó 55 làng nghề thuộc Hà Nội cũ và 240 làng nghề thuộc Hà Tây cũ) phân bố không đều, chủ yếu tập trung phía Nam, dọc sông Nhuệ, Đáy.
Cũng theo ông Cường, hệ sinh thái phong phú, đa dạng là “lá phổi” cho Hà Nội nhưng chủ yếu là hệ sinh thái nông nghiệp canh tác lúa nước, rau màu. Hệ sinh thái lâm nghiệp tuy đa dạng, phong phú nhưng diện tích còn thấp.
Cư dân phải được sống trong vùng an toàn
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, các chuyên gia đã đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ và cải tạo môi trường, phát triển bền vững. Hà Nội sẽ được phân thành 6 vùng, gồm vùng bảo vệ sinh thái (khu vực Ba Vì, Suối Hai, Lương Sơn…), vùng bảo tồn phát triển, di dời cơ sở gây ô nhiễm, kiểm soát ô nhiễm ở các đô thị trung tâm, cải thiện chất lượng đô thị trung tâm…Đánh giá ĐMC cho thấy những định hướng lớn trong quy hoạch như phát triển cân bằng dựa trên bảo tồn, với ý tưởng thành phố xanh, phát triển thành phố bền vững, kiểm soát sự phát triển tự nhiên và các định hướng lớn về hạ tầng đô thị vệ tinh..
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, trên cơ sở nghiên cứu môi trường, đánh giá hiện trạng để đề ra định hướng phát triển phù hợp, (đặc biệt phát triển các đô thị mới, công nghiệp và đầu mối hạ tầng) để tổ chức được không gian sống tốt nhất cho cư dân Hà Nội. Hà Nội đang là “cái chảo nóng”, xung quanh bị bao bọc bởi các khu công nghiệp. Như vậy, những khu vực công nghiệp sản sinh nhiều chất thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường sẽ phải di chuyển . Môi trường phía tây sẽ giữ trong sạch và bố trí dân cư sống trong vùng an toàn này.
“Khi Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự biến đổi khí hậu thì phương án này hoàn toàn hợp lý, tránh nước biển dâng bởi đây là những khu vực có địa hình khá cao” – ông Hải nói. Cũng theo ông Hải, Môi trường ở đô thị lõi cần được kiểm soát chặt chẽ, đưa ra những kế hoạch cụ thể bảo vệ từng khu. Tất cả phải tạo được môi trường sống có chất lượng cao, tức là tạo được môi trường tự nhiên trong lành, môi trường xã hội chất lượng cao.
Phát biểu và chỉ đạo cuộc họp, TS-KTS Nguyễn Đình Toàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: đánh giá môi trường chiến lược phục vụ Quy hoạch chung Hà Nội cần làm rõ và cụ thể hoá một số nội dung như: làng nghề, nông thôn, hệ sinh thái…Phần kiến nghị cần cụ thể và không được quên 744 dự án. Những dự án không phù hợp, ảnh hưởng đến môi trường, gây ô nhiễm cần có đánh giá cụ thể và có ý kiến đề suất cách giải quyết. Vấn đề bảo tồn văn hoá, kiến trúc, mật độ dân cư, nghĩa trang, trạm xử lý nước thải, trạm điện…cũng cần có kiến nghị cụ thể.
Theo : Báo Xây dựng điện tử