Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng

Thứ năm, 26/04/2018 14:16
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 24/4/2018, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đã ký ban hành Thông tư 03/2018/TT-BXD về quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng; cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác.

Theo đó, việc tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng quy định tại khoản 10 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP được áp dụng như sau:

Tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng từ 3 tháng đến 6 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 9 Điều 15; Tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng từ 6 tháng đến 9 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 9 Điều 15; Tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng từ 9 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 9 Điều 15.

Trong thời hạn bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng cá nhân, tổ chức vi phạm không được tổ chức thi công xây dựng.

Thông tư 03/2018 cũng quy định về áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại quy định tại điểm c khoản 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP được thực hiện như sau: Việc bồi thường thiệt hại do Chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì việc bồi thường thiệt hại được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự.

Trường hợp gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận thì chủ đầu tư phải dừng thi công xây dựng công trình và có biện pháp di dời ngay người và tài sản của công trình lân cận. Chủ đầu tư có trách nhiệm thuê và trả chi phí thuê nhà ở cho bên bị thiệt hại. Nhà được thuê phải đảm bảo các yếu tố về khoảng cách đi lại, diện tích, hạ tầng xã hội để bên bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Nếu bên bị thiệt hại tự tìm chỗ ở (tương đương nơi ở bị ảnh hưởng) thì chủ đầu tư có trách nhiệm trả cho bên bị thiệt hại số tiền tương ứng với số tiền thuê nhà và chi phí di chuyển tài sản…..

Ngoài ra Thông tư 03/2018/TT-BXD còn quy định về các biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng cụ thể: Khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2, khoản 4 hoặc khoản 5 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, mà hành vi này đã kết thúc, thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Công trình, phần công trình xây dựng vi phạm phải được tháo dỡ theo phương án, giải pháp phá dỡ được phê duyệt cho đến khi phần còn lại của công trình đảm bảo an toàn chịu lực khi đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm tra, phê duyệt và thực hiện phương án, giải pháp phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều này. Phương án, giải pháp phá dỡ phải đảm bảo an toàn công trình xây dựng sau khi phá dỡ phần vi phạm, tính mạng, sức khỏe, công trình xây dựng lân cận và đảm bảo vệ sinh, môi trường.

Trường hợp chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thuê tổ chức tư vấn lập phương án, giải pháp phá dỡ, giao cơ quan chuyên môn về xây dựng cùng cấp thẩm định trước khi quyết định phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ. Chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến việc cưỡng chế tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm: lập, thẩm định, phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 6 năm 2018, thay thế Thông tư số 02/2014/TT-BXD ngày 12 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Thông tư 03/2018/TT-BXD.
 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)